Tại diễn đàn, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) mang đến cái nhìn tổng quan về ngành hàng thông qua chủ đề “Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp F&B khi mở rộng thị trường trong bối cảnh mới”.
Theo ông Hiến, nền kinh tế Việt Nam trải qua năm 2023 trầm lắng, tuy nhiên từng bước phục hồi nhờ quyết tâm của Chính phủ cùng các bộ, ngành, đồng thời là trợ lực để thúc đẩy ngành lương thực thực phẩm (LTTP) phát triển và Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng trong lĩnh vực LTTP của khu vực cũng như toàn thế giới.
Xuất khẩu trong năm 2023 cũng để lại ấn tượng ở một số mặt hàng, chẳng hạn lúa gạo, nông sản, thực phẩm, cà phê và đặc biệt là mặt hàng thủy sản đã tạo đà phát triển cho ngành F&B.
Dù vậy, ông Hiến vẫn nhấn mạnh, ngành LTTP không được quên rằng tăng trưởng xanh là một khuynh hướng không thể đảo ngược và chỉ có một con đường duy nhất là phát triển, tăng trưởng xanh để giành lại thị phần ở nước ngoài, đồng thời có thể tạo hướng đi mới, nâng cao hướng tiêu dùng mới và hiện đại nhằm mang lại sức khỏe cho người dân. Ông đề nghị các doanh nghiệp LTTP không thể lơ đễnh trong vấn đề này.
Trước hết cần giành chiến thắng trên sân nhà
Hướng đến tháo gỡ khó khăn mà ngành LTTP đang gặp phải trong thời gian qua, theo ông Hiến, doanh nghiệp phải rà soát lại tất cả các yếu tố làm giá thành tăng bởi tăng trưởng của giá thành sản phẩm và giá bán không tương đồng nhau. Ông cho biết, giá thành của sản phẩm lúc nào cũng đi trước do thực phẩm là ngành thiết yếu của xã hội nên tăng giá bán không phải chuyện đơn giản.
“Chúng tôi phải làm sao để có được sự đồng thuận giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, đặc biệt là các hệ thống phân phối trên toàn quốc. Nếu không có sự đồng thuận này, chúng tôi không thể đẩy hàng hóa của mình ra thị trường”, ông Hiến chia sẻ.
Trong ngắn hạn, ông Hiến cho rằng doanh nghiệp phải bằng cách nào đó để giữ vững thị trường của mình do áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc để không thua ngay trên sân nhà.
Các doanh nghiệp nên tính lại chiến lược về sản phẩm, nguồn nhân lực, đồng thời không thể bỏ qua khuynh hướng số hóa, tự động hóa và đặc biệt là phải đưa các sản phẩm của mình đi theo xu hướng xanh, sạch và lành để thu hút thị trường trong nước, nếu không thì đừng nói đến việc xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo vị Phó Chủ tịch Hội LTTP TPHCM, Quyết định 300 của Thủ tướng Chính phủ vừa qua là kim chỉ nam rất tốt để các doanh nghiệp LTTP sản xuất minh bạch, bền vững và có trách nhiệm để có thể đáp ứng được các yêu cầu thực tế trên thị trường nếu không sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Một trong những điều quan trọng là doanh nghiệp phải tối ưu hóa được các nguồn lực, đổi mới đồng thời tập trung vào các xu hướng bền vững. Các doanh nghiệp F&B Việt Nam phải liên tục chuyển mình theo hướng bền vững đó nếu muốn tồn tại và phát triển.
Để được như vậy, ngoài vấn đề ngắn hạn, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển dài hạn. Bao gồm chiến lược kênh phân phối nội địa, chiến lược về xuất khẩu hàng hóa và đặc biệt là duy trì nguồn nhân lực đủ mạnh, nắm bắt được khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để đáp ứng các yêu cầu chung của thị trường trong nước cũng như nước ngoài.
“Thị trường trong nước với 100 triệu dân là một thị trường rất lớn và chúng ta không thể quên thị trường này do chúng ta hiểu rất rõ văn hóa; chúng ta hiểu về khuynh hướng tiêu dùng cả ba vùng bắc, nam, trung; chúng ta hiểu rất rõ về tính cách tiêu dùng của người Việt Nam thì không có lý do gì chúng ta không thắng ở sân nhà mà chỉ mong rằng chúng ta sẽ thắng ở nước ngoài”, ông Hiến nói.
Việc ứng dụng công nghệ mới trong vấn đề sản xuất cũng là một chiến lược lâu dài. Xu hướng tái chế sản phẩm, hay sản xuất tuần hoàn, cũng là một lĩnh vực ngành LTTP không thể bỏ qua.
Chẳng hạn, với ngành dừa, các phế phẩm đã có thể làm thành nguyên liệu cho các sản phẩm khác, hoặc cặn bã từ trái cây ép ra trong ngành trái cây đã giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, sản xuất xanh, sạch và bền vững cho thị trường tại Việt Nam trong tương lai.
Còn nhiều thách thức phải vượt qua
Theo ông Hiến, thách thức của các doanh nghiệp ngành F&B đến từ sức ép cạnh tranh và thanh lọc ngày càng tăng. Các cú sốc từ đại dịch COVID-19, bồi thêm tình hình địa chính trị bất ổn, đặc biệt là các cuộc chiến tranh làm khó khăn thêm chồng chất, nhất là lĩnh vực logistic đã làm giá nguyên liệu tăng lên, khiến chi phí vận hành ngày càng tăng cao và rất đột biến trong thời gian qua.
Thách thức còn đến từ xu hướng tiêu dùng mới. Theo đó, người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm có thể trích xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mang lại sự an toàn khi sử dụng.
Ngoài ra, sự cạnh tranh đến từ các nước lân cận như Thái Lan hay Trung Quốc do văn hóa tiêu dùng tương đồng trong khi doanh nghiệp Việt Nam chưa giành được chủ động về xuất khẩu hàng hóa, thị trường, công nghệ sản xuất cũng như khả năng thích ứng kém.
Hơn nữa, tại Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó khuynh hướng đổi mới để sản xuất có trách nhiệm và bền vững tạo nên áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp này.
Chưa kể những năm gần đây, hàng hóa xuất khẩu thường xuyên gặp phải các hàng rào thuế quan, hay rào cản kỹ thuật, chủ yếu dựa vào các yếu tố nội địa yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng. Vì vậy, ông Hiến khuyên các doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu rõ các quy định này.
Ông Hiến cho rằng, chương trình kết nối vùng nguyên liệu trong vài năm qua là rất đúng đắn nhưng từ chủ trương, cho đến chính sách và triển khai thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, đồng thời kỳ vọng trong tương lai sẽ được chính quyền các cấp hỗ trợ, đặc biệt là TPHCM cần đẩy mạnh hơn nữa để triển khai, giúp cho nguyên liệu rẻ hơn, phục vụ xuất khẩu hoặc tiêu dùng trong nước.
Điều tích cực là Nghị quyết 98 của Chính phủ về chính sách đặc thù của TPHCM được Quốc hội thông qua, theo đó ngành LTTP cũng có lợi thế nhất định. Các hiệp định thương mại tự do FTA bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Shopee,…đã phát triển rất mạnh tạo cho doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường.
Phải tùy cơ ứng biến
Trong năm 2024, theo ông Hiến, các doanh nghiệp có thuận lợi lớn đến từ Quyết định 300 của Thủ tướng Chính phủ như một kim chỉ nam khi đưa ra kế hoạch, phương hướng dài hạn, tại TPHCM còn có Nghị quyết 98. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời như thế nào và có đủ điều kiện để làm điều đó hay không.
Khuynh hướng chung của ngành LTTP là chuyển đổi xanh, sản phẩm xanh, là một xu hướng không thể đảo ngược. Và đối với doanh nghiệp thì chi phí là vấn đề khó khăn nhất để đạt được, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đòi hỏi phải “tùy cơ ứng biến” chứ không thể theo cách doanh nghiệp lớn làm được.
Điều các doanh nghiệp có thể hoàn toàn chủ động là nguồn nhân lực, nếu không đáp ứng được thì cũng không thể thực hiện được các công việc, chẳng hạn như chuyển đổi số, và đi cùng với đó là quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp.