"Man Utd cần phát triển một phong cách chơi nhất quán, nếu không, tôi nghĩ chiếc ghế của Ten Hag sẽ bị lung lay", Gary Neville nói sau trận đấu đó. "Họ thực sự gặp khó khăn để biết đồng đội đang ở đâu để có sự kết hợp, khuôn mẫu. Hiện tôi không thấy điều đó, và đây thực sự là một mối lo ngại".
Nhận xét của Neville về lối chuyền nhanh và không có cấu trúc của Man Utd là đúng, nhưng phong cách thi đấu của "Quỷ Đỏ" không phải bí ẩn với số đông. Thực tế, Ten Hag đã rất cởi mở về những gì ông đang cố gắng làm và Man Utd đang làm điều đó.
Chiến thuật của Ten Hag với Man Utd chủ yếu dựa trên sự tốc độ và sự trực diện. Theo đó, đội bắt đầu từ vị trí sâu hơn, muốn kéo đối thủ về phía trước rồi bùng nổ bằng những đường chuyền vượt tuyến nhắm vào các khoảng trống cho các tiền đạo giàu tốc độ khai thác.
Nhưng trên thực tế, theo Keble, chiến thuật trên hoặc không phù hợp với tầm vóc của CLB, được thực hiện kém hoặc cả hai. Hệ quả là Man Utd liên tục có những màn trình diễn phập phù và tạo cảm giác đội thiếu sự tổ chức hơn so với thực tế.
DNA của Man Utd
Sau trận thua Man City 0-3 ngay trên nhà Old Trafford hồi tháng 10/2023, Ten Hag thừa nhận không thể xây dựng phong cách thi đấu cho Man Utd tương tự thời ông còn dẫn dắt Ajax, vì có những cầu thủ khác nhau.
"Tôi đến đây với triết lý dựa trên việc kiểm soát bóng, nhưng đồng thời muốn kết hợp với DNA của Man Utd, các cầu thủ và phong cách của họ", HLV Hà Lan nói. "Năm ngoái, chúng tôi đã chơi thứ bóng đá rất hay. Mùa này, triết lý không có gì khác biệt, chỉ có điều tôi muốn đội đá trực diện hơn. Chúng tôi muốn gây sức ép từ các khối khác nhau, rồi sau đó đá trực diện".
Man Utd vốn có lịch sử lâu đời về lối chơi tấn công trực diện, nhanh, mạnh ở hai cánh, trải dài từ Sir Alex Ferguson đến Sir Matt Busby. Và đây chính là "DNA" mà Ten Hag đề cập.
Từ đó, lối chơi của Man Utd có thể hiểu là việc có tỷ lệ kiểm soát bóng thấp, đội hình thấp, số lượng tiền đạo sở hữu tốc độ cao dồn về tuyến đầu và những pha pressing bùng nổ được thiết kế để tận dụng các tình huống chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công.
Tấn công trực diện
Đứng thứ 17, kém đỉnh bảng Ngoại hạng Anh 13 điểm, thắng một trong sáu trận gần nhất, chiến thuật của Ten Hag rõ ràng là không hiệu quả. Nhưng bất chấp mạch kết quả này, Man Utd vẫn có một phong cách dễ nhận biết.
Man Utd có 50 pha phản công trực diện mùa này, nhiều thứ ba tại Ngoại hạng Anh, trong khi tốc độ lên bóng 1,89 mét/giây của họ cao thứ năm. Con số này tương đương với Luton Town và cao hơn đáng kể so với mức 1,35 của chính họ vào mùa 2022/23, đứng thứ 13 tại giải. 57 lần việt vị - nhiều nhất tại Ngoại hạng Anh - là một thống kê khác cho thấy mong muốn lên bóng nhanh của Man Utd.
Về mặt phòng thủ, Man Utd đứng thứ hai Ngoại hạng Anh về số lần lấy bóng với 208, và thứ tư về số lần giành quyền kiểm soát ở một phần ba cuối sân với 134. Thầy trò Ten Hag cũng đứng thứ chín về số đường chuyền được phép trong mỗi động thái phòng thủ (PPDA) với 12,5.
Những thống kê này cho thấy yêu cầu của Ten Hag về những pha pressing đột ngột dựa trên hàng tiền vệ được bố trí thận trọng, nén như kiểu tích lũy lực lò xo, để sẵn sàng phát động một cuộc phản công khi đối phương dâng cao và mất cảnh giác.
Trận hòa Tottenham 2-2 là minh chứng rõ nhất cho những đặc điểm này. Đội khách kiểm soát bóng 63% và được khuyến khích tấn công, từ đó lộ những khoảng trống lớn ở các vị trí hậu vệ cánh cho Marcus Rashford và Alejandro Garnacho tăng tốc và khai thác.
Cả hai bàn của Man Utd đều là những pha phản công, với một bàn ghi từ pha phản công và bàn còn lại xuất phát từ pha cướp bóng ở giữa sân. Từ đó, "Quỷ Đỏ" tràn vào một phần ba cuối sân trước khi Tottenham có cơ hội lùi về vị trí phòng ngự.
Như hình ảnh trên cho thấy, Bruno Fernandes được giao nhiệm vụ phát động phản công với những đường chuyền dài cho bộ ba tiền đạo tốc độ của Man Utd. Đó là chiến thuật đơn giản và đáng ngạc nhiên, dựa trên phong cách được Ten Hag xây dựng tại Ajax, và là một chiến thuật đến nay không hiệu quả.
Điểm yếu của lối chơi trực diện
Nhưng không thể nói rằng Man Utd không có chiến thuật nào. Những đường chuyền phát động đơn giản cũng là một dạng của chiến thuật, nhưng nó đi kèm với các vấn đề.
Chơi phản công và trực diện vốn đã làm mất tổ chức hàng tiền vệ trung tâm và khiến các cấu trúc chuyền bóng được lên kế hoạch trước, có kiểm soát trở nên khó khăn. Vì thế, hiếm có CLB lớn nào ở châu Âu đang thi đấu theo phong cách này.
"Lần gần nhất tôi thấy sự phối hợp giữa lối chơi và hàng loạt đường chuyền trông lạc nhịp như vậy là dưới thời Louis van Gaal", Neville nói. "Những gì tôi thấy ở Man Utd hiện là tập hợp các đường chuyền đơn lẻ, trong đó một cầu thủ nhận bóng và dường như phải tìm ra cầu thủ tiếp theo ở đâu, thay vì biết họ ở đâu".
Neville nói đúng điều khiến người hâm mộ Man Utd lo lắng là cảm giác ngẫu hứng, thiếu định hình này là mặt trái của bản sắc chiến thuật mà Ten Hag đang triển khai.
Về lý thuyết, "Quỷ Đỏ" có thể phát triển một số cơ chế triển khai bóng từ tuyến dưới lên hàng tiền đạo thông qua Bruno Fernandes, với các pha dàn xếp phát động một tình huống phản công. Nhưng thứ bóng đá nhanh, trực diện có bản chất lỏng lẻo, đòi hỏi sự khéo léo và tư duy nhanh trong mỗi tình huống vì nó mang tính phản ứng chứ không phải chủ động.
Và nếu một hệ thống phụ thuộc vào những sai sót hoặc những điểm yếu trong quá trình chuyển đổi của đối phương, thì hệ thống đó thường không được rèn luyện ở cấp độ cao cấp nhất trên sân tập. Bạn đang dựa vào đối phương, đợi họ mắc sai lầm, thay vì chủ động thiết lập thế trận.
Vấn đề lớn hơn
Các vấn đề về phòng ngự của Man Utd có thể được giải thích rõ hơn bằng cách so sánh với Man City. Một trong những nguyên tắc cốt lõi trong lối chơi Pep Guardiola xây dựng cho "Man xanh" là cách triển khai chậm rãi và có chừng mực, được thiết kế để đảm bảo mọi cầu thủ vẫn ở trong một khối nén lại. Họ di chuyển lên xuống đồng bộ, dần dần xây dựng các đợt tấn công, nhưng cũng đảm bảo ở vị trí hoàn hảo để phòng thủ khi mất bóng.
Thứ bóng đá nhanh và trực diện của Ten Hag ở Man Utd lại hoàn toàn trái ngược. Theo đó, bộ ba tiền đạo dâng cao, liên tục chạy phía sau lưng hàng thủ đối phương, còn Fernandes được yêu cầu chuyền dài cho tuyến trên, dẫn đến hệ thống của Man Utd bị kéo giãn theo chiều dọc. Vì thế, khoảng cách giữa hàng phòng ngự và hàng tấn công Man Utd thường rất lớn, và khi đối thủ tiến đến một phần ba cuối sân, các cầu thủ đá cánh của họ không kịp lùi về, hỗ trợ hậu vệ biên tương ứng.
Vấn đề nghiêm trọng không kém từ hệ thống bị kéo giãn theo chiều dọc là khoảng không gian lớn mà các tiền vệ trung tâm phải che chắn giữa các tuyến phòng ngự và tấn công.
Cả hai vấn đề này đều được thể hiện trong trận hòa Tottenham 2-2, gồm cả tình huống dẫn đến bàn thắng thứ hai của đội khách. Ở bức ảnh bên dưới, có thể thấy các tiền vệ Man Utd có nhiều khoảng trống xung quanh và cả Garnacho, Rashford đều không có trong khung hình.